GIA SÚC THẢ RÔNG GÂY TAI NẠN, AI LÀ NGƯỜI TRÁCH NHIỆM?

1. Gia súc thả rông ngoài đường có bị phạt không?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ban hành về việc xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

“Xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nhường đường theo quy định, không báo hiệu bằng tay khi chuyển hướng;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố;

d) Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới;

đ) Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông;

e) Đi dàn hàng ngang từ 02 xe trở lên;

g) Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển;

h) Điều khiển xe không có báo hiệu theo quy định.

...”

Như vậy, đối với việc để gia súc chạy rông ngoài đường được xem là hành vi vi phạm pháp luật vì không đảm bảo an toàn giao thông đường bộ cho người và phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, còn có thể dẫn đến tai nạn giao thông.

2. Gia súc thả rông gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm?

Căn cứ tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cụ thể như sau:

“Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

Đối với trường hợp gia súc thả rông gây tai nạn giao thông thì người chủ sở hữu gia súc đó phải là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, nếu chứng minh được lỗi hoàn toàn nằm ở người thứ ba làm cho gia súc hoảng sợ và gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải chịu bồi thường thiệt hại.

Nếu người thứ ba và gia súc của người chủ sở hữu đều có lỗi thì cả hai cùng bồi thường thiệt hại

Trường hợp gia súc bị chiếm hữu trái pháp luật trước đó rồi gây ra thiệt hại thì người chiếm hữu gia súc trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Nếu chủ sở hữu và người chiếm hữu đều có lỗi trong việc để gia súc bị chiếm hữu sử dụng trái pháp luật thì phải chịu liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp gia súc thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Trên đây là tư vấn của luật sư đối với vấn đề “ Gia súc thả rông gây tai nạn, ai sẽ chịu trách nhiệm”. Hy vọng sẽ cung cấp những thông tin pháp lý hữu ích cho quý vị và các bạn.

Quý vị và các bạn có nhu cầu tư vấn pháp lý về dân sự, đất đai, thừa kế, hành chính, hình sự,... có thể liên hệ chúng tôi theo thông tin dưới đây:

CÔNG TY LUẬT NHÂN HÒA

Địa chỉ: 2 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM

Hotline: 0915.27.05.27

Email: luatsunhanhoa@gmail.com

Trân trọng!

 


Bài viết xem thêm